top of page

TỰ KHẢO SÁT ĐỂ BIẾT NGÔI NHÀ CỦA MÌNH CÓ THÍCH HỢP LẮP ĐIỆN MẶT TRỜI HAY KHÔNG

Khảo sát là bước đầu tiên mà bạn phải làm khi bắt tay vào một hệ thống điện mặt trời. Trong bài viết này, tôi sẽ hướng dẫn bạn các vấn đề cần lưu ý khi khảo sát để bạn biết được ngôi nhà của mình có thích hợp để lắp đặt hệ thống này hay không.

1. Hướng nắng

Chắc chắn điện mặt trời thì quan trọng nhất vẫn là hướng mặt trời rồi. Việt Nam là một quốc gia nằm hoàn toàn ở Bắc Bán cầu vì vậy mặt trời và các tia nắng chiếu xuống luôn xuất phát từ phía Nam. Vì vậy, các tấm năng lượng mặt trời (tấm PV) luôn được lắp đặt để quay về hướng Nam, hướng về phía mặt trời.


La Bàn trên điện thoại rất tiện khi khảo sát

Dân gian ta quan niệm rằng “Lấy vợ hiền hòa, làm nhà hướng Nam”, vì mặt trời mọc ở đằng Đông, lặn ở đằng Tây nên nếu xây nhà hướng về phía Nam sẽ tránh được ánh nắng chiếu thẳng vào nhà gây tăng nhiệt độ trong nhà, đông thì ấm, hạ thì mát. Điều này cũng rất hợp khi cả tấm PV cùng mặt tiền đều hướng về phía nam, đảm bảo tính thẩm mỹ, hài hòa trong bố cục của cả ngôi nhà. Nếu hướng nhà bạn không ở phía Nam thì có thể lệch Nam một chút cũng không sao, trong khoảng từ Đông Nam sang Tây Nam. Còn nếu phải lắp tấm PV quay về hướng Bắc thì hiệu suất sẽ giảm đi rất nhiều hoặc gần như không có.

2. Góc nghiêng của các tấm PV


Cố gắng để các tấm PV có độ nghiêng tốt nhất

Nếu lắp đặt trên mái bằng, mái bê tông và có thể tùy ý thiết kế độ nghiêng của tấm PV, góc nghiêng tốt nhất nên đặt là từ 10-15°. Đây là một góc vừa đủ để có thể hấp thụ tối đa bức xạ mặt trời khi mặt trời bắt đầu mọc từ hướng Đông và lặn ở hướng Tây. Với mái tôn hay mái ngói, các bạn bắt buộc phải lắp đặt tấm PV theo độ nghiêng sẵn của mái thì nên lắp ở các khoảng mái có độ nghiêng <40°.

3. Các vật cản có thể đổ bóng lên tấm PV

Tấm PV chỉ đạt hiệu suất tốt nhất khi không bị đổ bóng bởi vật cản. Các vật cản phổ biến hay gặp trên mái nhà là cây cối gần mái, bồn trữ nước, hay chỉ đơn giản là chính nhà hàng xóm bên cạnh nếu nhà đó cao hơn. Với trường hợp nhà hàng xóm cao hơn một chút (thường là các tầng tum, gác lửng hoặc khoang thang máy) thì bạn có thể đề nghị đơn vị lắp đặt thiết kế một giàn khung nâng cao các tấm PV cho bằng với nhà bên cạnh để không còn bị khuất. Nếu có thể thì đừng lắp cao hơn quá nhiều vì có thể sau khi bạn lắp đặt hệ thống xong, nhà hàng xóm cũng sẽ học tập và lắp theo :) Ngoài ra thì qua thời gian dài sử dụng, bụi bẩn hay lá cây nằm trên bề mặt cũng sẽ làm hiệu suất tấm PV giảm, vì vậy bạn cần chú ý vệ sinh các tấm PV mỗi 3 tháng sử dụng.


Việc bảo trì hệ thống nói chung và lau rửa các tấm PV nói riêng cũng rất quan trọng

4. Thời điểm tuyệt vời nhất để bắt đầu

Đó là khi xây nhà và đã hoàn thiện phần thô của công trình. Khi đó bạn có thể lắp đặt một cách thoải mái nhất. Mái nhà khi đó còn mới và rất khỏe, việc khoan đục hay làm chống thấm tại các vị trí liên kết của giàn khung với mái cũng được xử lý tốt hơn. Bên cạnh đó, bạn có thể đi dây điện ngầm trong tường, sẽ gọn gàng và đẹp mắt hơn rất nhiều. Nếu bạn đang trong giai đoạn này nhưng chưa muốn đầu tư hệ thống điện mặt trời ngay thì bạn có thể đi sẵn dây chờ từ tủ điện tổng của nhà lên trên mái, gần vị trí đặt các tấm PV. Nếu sớm hơn nữa, thì ngay từ khi lên thiết kế cho ngôi nhà, bạn có thể liên hệ đơn vị lắp đặt, yêu cầu họ lên thiết kế hệ cho hệ thống cùng với kỹ sư thiết kế của ngôi nhà mình để đảm bảo ngôi nhà có sự hoàn hảo nhất.

5. Lựa chọn đơn vị uy tín

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều đơn vị có thể cung cấp thiết bị, lắp đặt trọn gói các hệ thống với các mức giá đa dạng từ 10 triệu đến 23 triệu cho mỗi kWp. Tất nhiên với mức giá dao động lớn như vậy thì chất lượng của các đơn vị này cũng chênh lệch rất nhiều. Chênh lệch từ chất lượng của thiết bị, kinh nghiệm lắp đặt cho tới dịch vụ bảo hành bảo trì. Các hệ thống hiện nay đều có chế độ bảo hành phổ biến là bảo hành vật lý 12 năm và 25 năm cho hiệu suất của tấm PV, các phần còn lại của hệ thống bảo hành 5 năm. Tuy nhiên các bạn nên lựa chọn các đơn vị uy tín, chuyên nghiệp, có đầu tư quy mô lớn để có thể đồng hành với mình trong thời gian bảo hành dài như vậy. Không nên vì quá ham rẻ mà dẫn đến những hậu quả không lường.




Nếu sau khi khảo sát, bạn thấy ngôi nhà của mình phù hợp để lắp đặt và sử dụng hệ thống thì việc còn lại là hãy gọi các đơn vị có chuyên môn đến để làm việc. Bằng kinh nghiệm, họ sẽ cho bạn một thiết kế đẹp nhất, một phương án lắp đặt tốt nhất. Chúc các bạn thành công với hệ thống điện mặt trời của nhà mình !


Công ty Cổ phần Thương mại Công nghệ và Giải pháp Hạ Long

Số 12/55 phố Đỗ Quang, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội

Hotline: 094 215 6763 (Mr.Trường SOLAR)

https://www.halongjsc.com/phu-kien-solar

Email: info@halongjsc.com.vn

truong.dang@halongjsc.com.vn

0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page